Một số kỹ năng sống quan trọng cần rèn luyện cho trẻ mầm non gồm:
Kỹ năng Tự phục vụ
Kỹ năng tự phục vụ là những thói quen sinh hoạt thường ngày trong giao tiếp và ứng xử của trẻ đối với bản thân và những người xung quanh. Tập những kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ cho trẻ, từng bước hình thành nhân cách sống cho trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được đưa lên hàng đầu. Nếu trẻ không có kỹ năng tự phục vụ bản thân, trẻ sẽ không thể chủ động và tự lập trong cuộc sống hiện đại. Vì thế, trẻ cần được rèn luyện kỹ năng tự phục vụ ngay từ khi còn nhỏ.
Kỹ năng tự phục vụ bản thân bao gồm cả thể chất và tinh thần, từ những việc làm đơn giản đến phức tạp, để hình thành những thói quen và lối sống tốt đẹp cho trẻ.
Trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, kỹ năng tự phục vụ bao gồm những kỹ năng gần gũi và đơn giản nhất, đó là kỹ năng rửa tay đúng cách, kỹ năng mặc quần áo đúng cách, kỹ năng đánh răng…
Giáo dục giới tính
Giáo dục giới tính cho trẻ là một phần của giáo dục sức khỏe thể chất và tinh thần, một nội dung quan trọng của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Các nhà khoa học khẳng định rằng trẻ có ý thức giới tính: Khi mới sinh trẻ bú mẹ giống như quá trình hưng phấn tính dục của người lớn. Khoảng 7 – 8 tháng trẻ biết làm một số động tác như kẹp đùi, mân mê vùng kín của mình. Trẻ mẫu giáo bước vào thời kỳ “nụ hoa tính dục”. Gọi là “nụ hoa”, bởi vì không có bông hoa nào không nở từ nụ, không có trái cây nào không thụ từ hoa, muốn bước vào thời hoa niên con người phải đi từ cái chồi này trước đã. Đó là quá trình phát triển liên tục để trưởng thành. Việc giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm không chỉ cung cấp cho trẻ những kiến thức để trẻ giải đáp những thắc mắc từ cơ thể mình, mà còn trang bị cho trẻ những kỹ năng giúp bảo vệ bản thân khi xung quanh trẻ có rất nhiều mối nguy về xâm hại tình dục.
Đối với trẻ mẫu giáo, giáo viên có thể cung cấp cho trẻ thông tin và sự khác biệt giữa bạn nam và bạn nữ, giúp trẻ nhận biết đâu là vùng kín và vùng riêng tư. Ngoài ra, trẻ nên được hướng dẫn kỹ năng ứng xử khi bị kẻ xấu xâm hại.
Dù còn nhiều tranh luận về nội dung và cách thức giáo dục giới tính trong các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non nhưng không thể phủ nhận đây là việc làm cần thiết.
Kỹ năng Bảo vệ bản thân
Kỹ năng bảo vệ bản thân là những hiểu biết của một người về những sự việc xung quanh mình cũng như cách để hành động đúng, an toàn đối với sự vật đó. Trẻ có kỹ năng bảo vệ bản thân sẽ biết cách làm thế nào để tránh xa những mối nguy hiểm hoặc khám phá thế giới trong phạm vi an toàn.
Giai đoạn tuổi mẫu giáo có thể coi là giai đoạn mà trẻ dễ gặp phải nhiều mối nguy hiểm nhất. Bởi ở giai đoạn này, trẻ thích khám phá nhưng lại chưa có những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tìm hiểu thế giới.
Kỹ năng Giao tiếp ứng xử
Giao tiếp hiểu đơn giản là hành động truyền tải thông điệp từ người này đến người khác. Kỹ năng giao tiếp có vai trò quan trọng trong việc phát triển về tâm sinh lý cho con người nói chung và cho trẻ em nói riêng. Nếu như quá trình giao tiếp diễn ra không hiệu quả, trẻ sẽ không hiểu người lớn muốn gì ở mình và ngược lại.
Việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ trong các chương trình, khoá học giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non không chỉ là cung cấp cho trẻ những kiến thức để giao tiếp hiệu quả, mà còn giúp trẻ rèn luyện những kỹ năng ứng phó, ứng xử với những tình huống giao tiếp cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Đối với trẻ mẫu giáo, giao tiếp ứng xử đơn giản là các kỹ năng chào hỏi, cảm ơn xin lỗi, kỹ năng ứng xử lịch sự tại các nơi công cộng
Kỹ năng làm việc nhóm
Trong sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại, việc rèn luyện những kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn. Nhất là trong trường hợp trẻ cần đến sự hỗ trợ và ủng hộ của mọi người xung quanh để giải quyết công việc.
Đối với trẻ thì những hoạt động làm việc nhóm không chỉ giúp trẻ tăng khả năng gắn kết cũng như hòa đồng với bạn bè trong lớp nhiều hơn mà còn giúp trẻ có thể hoàn thành công việc thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc làm việc nhóm cũng giúp trẻ dễ dàng hơn trong công việc sau này, rèn luyện cho trẻ khả năng hợp tác, tổ chức tốt, lãnh đạo tốt. Và giúp cho mỗi trẻ có được sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên, tăng thêm sự gắn kết và có được tình bạn lâu bền trong học tập và đời sống.
Kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp trẻ mầm non tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người, học được cách làm việc độc lập cũng như với bạn bè, đồng thời trẻ sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn trong cuộc sống. Điều này giúp trẻ hòa đồng hơn, yêu thích mọi người xung quanh hơn, để từ đó chơi vui vẻ, học tập tốt.
Tư duy Sáng tạo
Tư duy sáng tạo là kiểu giải quyết vấn đề dựa trên quá trình động não để tìm ra nhiều phương án khả thi, rồi kết luận được phương án tối ưu dựa trên các phương án đã nêu ra. Kỹ năng tư duy sáng tạo là một trong những nền tảng quan trọng bậc nhất đối với trẻ mầm non để trẻ có cơ hội thành công trong trường học và cuộc sống.
Trong thế kỷ 4.0, khi máy móc đang dần thay thế con người làm việc thì kỹ năng tư duy sáng tạo đang đóng vai trò quan trọng giúp mỗi người làm chủ được tương lai. Mặt khác, những người lười biếng trong suy nghĩ, chỉ cần làm theo những gì mà người khác đã vẽ ra từ trước, không có khả năng đột phá và những bước tiến mới sẽ hiếm khi đi xa trong cuộc sống. Kỹ năng tư duy sáng tạo chính là sự khác biệt, là ưu thế tuyệt đối của con người so với máy móc.
Kỹ năng Thuyết trình
Một trong những yếu tố giúp trẻ trở thành một nhà lãnh đạo trong tương lai đó là khả năng thuyết trình thuyết phục trước đám đông. Trẻ cần biết trình bày vấn đề của mình không chỉ với bố mẹ, những người trẻ thân thiết mà còn trước thầy cô, các bạn ở trên lớp. Tuy nhiên đối với nhiều trẻ đây là việc khá khó khăn, thậm chí còn khiến trẻ sợ hãi.
Đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng quan trọng. Dù trẻ sẽ là ai, sẽ làm gì, thì trẻ cũng sẽ phải thuyết trình (trình bày) một vấn đề nào đó trước người khác (có thể là một người, một nhóm người, hoặc rất nhiều người). Việc thuyết trình mang lại cho trẻ mầm non nhiều kỹ năng khác như: Giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân; phát triển khả năng giao tiếp của trẻ; cài thiện khả năng trình bày ngôn ngữ.